BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ KIẾN TRÚC

Kiến trúc là một ngành nghệ thuật và khoa học về tổ chức sắp xếp không gian. Kiến trúc cũng chứa đựng những yếu tố về tôn giáo, tâm linh, văn hóa và đời sống xã hội. Các giai đoạn xã hội khác nhau biểu hiện đời sống văn hóa khác nhau và kiến trúc sẽ kế thừa của nền văn hóa dân tộc. Mỗi dân tộc, do những đặc thù tự nhiên, đặc biệt là quá trình ứng xử, thích nghi với môi trường trong lịch sử tồn tại, phát triển của mình, đã hun đúc lên truyền thống văn hóa riêng mang những giá trị bền vững. Bản sắc văn hóa này không chỉ lưu giữ, thế hiện trong tư tưởng đạo đức, lối sống, trong văn học nghệ thuật mà cả trong công trình kiến trúc, vật dụng hàng ngày...

Kiến trúc thời nhà Lý

Trong văn học bản sắc văn hóa Việt Nam thường được thể hiện qua 3 giá trị tiêu biểu:

  • Tinh thần yêu nước và quật cường.
  • Tính cách bình dị, lạc quan, yêu thiên nhiên, khả năng thích nghi với hoàn cảnh rất cao, lao động cần cù và ưa thực tiễn.
  • Lòng nhân ái, trọng đạo lý, trọng nghĩa tình, khoan dung, ưa sự hài hòa cân đối, tế nhị trong cách ứng xử và biểu cảm.

Những bản sắc dân tộc truyền thống đó được thể hiện trong kiến trúc Việt Nam với những giá trị nổi bật như:

  • Sự khiêm tốn, đơn giản về hình khối kiến trúc, cân xứng, hướng nội, hài hòa hợp nhất với khung cảnh thiên nhiên (Thể hiện rõ nét qua kiểu nhà truyền thống của người Việt).
  • Có tính biếu tượng tính ấn dụ sâu sắc, tính hàm súc. Điêu khắc làm cho hình khối kiến trúc hàm chứa triết lý phương Đông: đa nghĩa, súc tích, ước lệ, thâm trầm, nên trí tuệ mà không phô trương, cô đọng đơn giản mà không nghèo nàn cục mịch…
  • Các công trình công cộng chú trọng chất hoành tráng trong tổ chức bố cục không gian và xứ lý tổng thể công trình, không thiên về tính đồ sộ đối chọi hay lấn át thiên nhiên, kiến trúc đối xứng, lớp sân thềm tam cấp, mặt nước, không gian liên hoàn có đóng có mở…
  • Không gian nội thất, ngoại thất xử lý kiểu công dụng đa năng biến hóa linh hoạt có sự kết hợp hữu cơ giữa sân thoáng, hiên nửa kín, nửa hở và buồng phòng, tạo nhiều khả năng gắn kết không gian kiến trúc với thiên nhiên ngoại cảnh một cách tự nhiên và phong phú, sinh động.
  •  Không gian kiến trúc được kiến tạo và hình thành trên cơ sở hệ cấu trúc đơn giản hợp lý có logic kết cấu khúc triết, mang tính điển hình cao (ít loại hình, tháo lắp dễ dàng, vận chuyển thuận lợi) mang tính công nghiệp hóa cao…
  • Kiến trúc Việt coi trọng trang trí bằng chạm trổ và điêu khắc (ảnh hưởng mạnh bởi kiến trúc Nam Á) trên các bộ phận kết cấu và chi tiết kiến trúc nhằm làm giảm nhẹ sức nặng, tạo sự phong phú khi con người tiếp cận gần nhưng khi nhìn xa vẫn hoành tráng, ấn tượng khỏe khoắn, về tạo hình chú trọng cái đẹp nhờ tỷ lệ hài hòa, “nhân văn”  nhấn mạnh sức truyền cảm có sự thống nhất từ chi tiết đến tổng thể làm cho kiến trúc vừa thuận mắt dễ coi vừa gần gũi với tầm vóc người Việt Nam.

Kiến trúc truyền thống phản ảnh rõ nét tâm hồn lối sống bình dị, gần gũi thiên nhiên của người Việt

         Trong xu thế giao thoa văn hóa như hiện nay, sự phát triển của bất kỳ một nền kiến trúc nào đều không thể đóng kín mà đòi hỏi giao lưu hội nhập. Trong điều kiện như vậy, kiến trúc cần hiện đại để hội nhập, hội nhập nhưng không được hòa tan. Muốn vậy hơn bao giờ hết, văn hóa - nghệ thuật nói chung hay kiến trúc nói riêng phải kế thừa phát huy truyền thống, phải đậm đà bản sắc dân tộc.
Kiến trúc có hiện đại mới đáp ứng tối đa những yêu cầu do ba yếu tố tạo thành của kiến trúc đòi hỏi: công năng, kỹ thuật, hình tượng của thời đại đang sống, đáp ứng nguyện vọng và thị hiếu của dân tộc. Trong “hiện đại”  hàm chứa “dân tộc”. Các kiến trúc sư phải biết trân trọng những bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc, để chuyển hóa thẩm thấu vào mỗi công trình cụ thể và cao hơn là bản lĩnh và tay nghề.

       Nội dung và hình thức của kiến trúc có thể thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của lịch sử, của thời đại, song vẫn đảm bảo tính truyền thống và kế thừa sâu sắc của văn hóa dân tộc. Mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán sinh hoạt riêng, truyền thống văn hóa riêng cũng như những kinh nghiệm và các giải pháp xử lý kiến trúc riêng của mình.

Nhà có xu hướng kết hợp truyền thống và hiện đại

       Nền kiến trúc quốc gia có những nét chung, tuy nhiên mỗi vùng miền, dân tộc lại có những đặc điểm, tính cách riêng, vì thế bản sắc dân tộc không hề đơn điệu, cứng nhắc mà đa dạng và phát triển không ngừng. Nhiều công trình kiến trúc cổ của nước ta còn tổn tại như: đình, chùa, tháp, miếu… thế hiện rõ nét các đặc trưng tiêu biểu của văn hóa dân tộc mà chúng tôi đã trình bày ở phần trên. Đây là những di sản quý báu, được kết tinh  lâu đời về giải pháp và thẩm mỹ kiến trúc cũng như đặc điểm khí hậu đất đai thổ nhưỡng Việt Nam. Vì vậy,  những người làm công tác nghiên cứu, sáng tác kiến trúc nên coi trọng và gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp và di sản kiến trúc quý báu đó.

       Bên cạnh đó, kiến trúc hiện đại kế thừa phải có sự phân tích, phê phán, gạn lọc và sáng tạo để phát triển nền kiến trúc tiên tiến hiện đại mà vẫn giữ được  bản sắc dân tộc Việt Nam, tránh xa thói mô phỏng hay  bắt chước, câu nệ, bảo thủ và sùng bái cái mới, cái độc đáo xa lạ.

Nguồn bài viết: http://www.hacomholdings.vn/vi/ban-sac-van-hoa-va-kien-truc

093 342 9899